Việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp tại châu Á đã chậm lại từ sau bầu cử Mỹ, khi các công ty từ Trung Quốc đến Ấn Độ đều hủy hoặc hoãn kế hoạch. Sự chậm lại đột ngột trên thị trường nợ có thể đe dọa một mô hình tăng trưởng đã bén rễ tại châu Á vài năm gần đây.
Các công ty khu vực này đã tận dụng lãi suất thấp để tạo ra hàng nghìn tỷ USD nợ, chủ yếu bằng đôla Mỹ, nhằm phục vụ tăng trưởng. Năm nay, họ đã huy động được 1.100 tỷ USD trái phiếu, gấp gần 5 lần cả năm 2008 - theo Dealogic.
Chiến thắng bất ngờ của ông Donald Trump và khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất tháng tới đã khiến giá trái phiếu toàn cầu tăng cao. Nó có thể khiến việc vay nợ trong tương lai đắt đỏ hơn. Đồng bạc xanh tháng này tăng giá càng khiến việc trả nợ của các công ty trở nên đắt đỏ.
|
Nhiều hãng bất động sản châu Á đã phải hủy kế hoạch phát hành trái phiếu. Ảnh: AP
|
Nhiều nhà phân tích và giám đốc ngân hàng cho rằng xu hướng chậm lại trên thị trường nợ châu Á chỉ là ngắn hạn. Do nhà đầu tư còn phản ứng với kết quả bầu cử Mỹ. Tuy nhiên, họ vẫn cho rằng việc này có thể ảnh hưởng đến triển vọng tương lai.
"Hiện tại, nó chỉ là một phản ứng ngắn hạn. Nhưng rủi ro với chúng ta là nó sẽ dần trở thành yếu tố nền tảng", Mark Follett - Giám đốc Các thị trường nợ châu Á tại J.P. Morgan Chase & Co.cho biết.
Chi phí cao cũng có nghĩa các công ty sẽ phải trích lợi nhuận nhiều hơn để trả nợ, thay vì đầu tư vào các dự án có thể sinh ra tăng trưởng, như xây nhà máy hay mua thiết bị. Việc này sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng chung của cả châu Á - cái nôi của nhiều nền kinh tế năng động nhất thế giới.
Rất nhiều công ty châu Á đang sử dụng tiền huy động được từ bán trái phiếu để trả nợ cũ, theo một báo cáo gần đây của Quỹ Tiền tệ châu Á (IMF). Cơ quan này dự báo tăng trưởng tại châu Á sẽ chậm lại, còn 5,3% năm 2016 và 2017, so với 5,4% năm 2015.
Khối nợ của châu Á đang ngày càng trở nên đắt đỏ, sau cuộc bầu cử Mỹ. Lãi suất trung bình với trái phiếu phát hành bằng USD của khu vực này đã tăng lên gần 4,59%, so với 4,13% trước đó, theo J.P. Morgan Asia Credit Index. Khoảng một phần năm trái phiếu phát hành tại châu Á năm nay là bằng USD, Dealogic cho biết.
Một số công ty đã bắt đầu cảm nhận được việc này. Tuần trước, hãng bất động sản Trung Quốc - Country Garden Holdings đã hủy việc phát hành trái phiếu niêm yết bằng USD kỳ hạn 10 năm do "điều kiện thị trường không ổn định". Trái phiếu họ dự định phát hành với lãi suất 5,635%. Tuy nhiên, mới tháng 9, họ phát hành 650 triệu USD trái phiếu kỳ hạn 7 năm với lãi suất chỉ 4,75%.
Canara Bank của Ấn Độ cũng phải hoãn kế hoạch quảng bá đợt phát hành trái phiếu trị giá 500 triệu USD sau chiến thắng của ông Trump. Các ngân hàng tham gia đợt chào bán này đã nói với công ty rằng "nhà đầu tư không sẵn sàng tới dự buổi roadshow đâu".
"Trump là yếu tố bất ngờ với thị trường. Đó là lý do chính nhà đầu tư không sẵn sàng gặp mặt các công ty phát hành", một lãnh đạo Canara Bank cho biết. Họ hy vọng có thể quay lại thị trường trong 2 tuần tới.
Dù vậy, lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ vẫn tương đối thấp. Đây là lực đẩy chủ yếu của lãi suất trái phiếu toàn cầu. Bất ổn hiện tại đang làm chậm lại quá trình phát hành trái phiếu tại các thị trường mới nổi. Tuy nhiên, hoạt động có thể khởi sắc trở lại trong vài tuần tới.
"Việc này có nghĩa các đợt huy động vốn lớn sẽ ngừng đột ngột? Tôi không cho là vậy. Những gì chúng ta cần bây giờ chỉ là sự ổn định", Follett cho biết.
Khoảng một phần tư trái phiếu hiện hành của châu Á sẽ đáo hạn năm 2017 và 2018. Hãng sản xuất lốp xe Indonesia - PT Gajah Tunggal Tbk hiện có 500 triệu USD trái phiếu với lãi suất 7,75%. Loại trái phiếu này trên thị trường thứ cấp hiện có lãi suất quanh 14,5%. Họ cho biết đang "trong quá trình xem xét cấu trúc nợ" để "phù hợp với dòng tiền hơn, trong bối cảnh công ty đang lên kế hoạch đảo nợ trước khi chúng đáo hạn năm 2018".
Hà Thu (theo WSJ)